Nên Học Kiểu Bơi Nào Trước?

Nếu bạn muốn học bơi bài bản, chắc chắn bạn phải trả lời câu hỏi: bắt đầu học kiểu bơi nào trước? Nhưng nếu đi từ con số 0 và chưa có trải nghiệm để biết cái nào phù hợp nhất với mình? Có lẽ kết quả phụ thuộc vào kiểu bạn thích nhất khi xem người khác bơi. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số phân tích theo kinh nghiệm cá nhân, hy vọng phần nào giúp các bạn đưa ra được lựa chọn dễ dàng, chính xác hơn.

Trong thi đấu có 4 kiểu bơi kỹ thuật:

  • Bơi sải: bơi trườn sấp, bơi tự do (freestyle, front-crawl)
  • Bơi ếch (breaststroke)
  • Bơi bướm (butterfly, fly)
  • Bơi ngửa: hay bơi trườn ngửa (backstroke)

Ngoài ra còn có các kiểu bơi:

  • Bơi chó (doggie paddle): kiểu bơi bản năng
  • Bơi lặn (under-water swimming). Trong đó, kiểu lặn uốn sóng (sử dụng dolphin kick) còn được mệnh danh là “kiểu bơi thứ 5” vì nó được ứng dụng nhiều và có tầm quan trọng trong thi đấu.
  • Bơi sải ngửa đầu: dạng bơi phủi, bản năng. Kiểu này được luyện tập nhiều trong các lực lượng cứu hộ. Tốn sức hơn bơi trườn sấp nhưng phù hợp trong những tình huống khẩn cấp khi không có phụ kiện bơi bên mình.

Các vận động viên chắc chắn có chương trình đào tạo chuyên nghiệp của họ, mình sẽ không đề cập ở đây. Chỉ bàn về người học bơi phổ thông nghiệp dư thôi nhé. Nào cùng bắt đầu, xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ phổ biến:

Học kiểu bơi nào trước, bơi ếch

Kiểu bơi được dạy nhiều nhất cho người mới và cũng là kiểu phổ biến nhất có thể bắt gặp ở mọi bể bơi. Tất nhiên nên mặc định hiểu là kiểu bơi ếch phổ thông, ếch dưỡng sinh để phân biệt với “ếch chồm” (chuẩn thi đấu). Thực chất nó cũng tương tự về kỹ thuật cơ bản nhưng cắt hoặc giảm các động tác khó, tốn sức, tất nhiên sẽ hi sinh 1 phần tốc độ của kiểu bơi.

Học kiểu bơi nào trước, bơi ếch

Đặc điểm của bơi ếch:

  • Động tác đơn giản, dễ học, nhanh thực hành được. Động tác tay và chân đối xứng, trái phải hoàn toàn giống nhau và chỉ hoạt động ở dưới nước.
  • Lực đẩy phần lớn phát từ chân (cú đạp bằng hai đùi), lực tay chủ yếu để nhấc đầu lên thở. Theo nghiên cứu, tỉ lệ lực đẩy chân – tay là 80 – 20.
  • Có động tác lấy hơi thẳng phía trước, dễ hơn nhiều so với thở xoay trong của bơi sải. Đồng thời việc quan sát đường bơi cũng dễ dàng, không sợ va chạm hay mất phương hướng.
  • Để có thể “bơi ếch được” không đòi hỏi quá lớn về thể lực cũng như độ linh hoạt. Do vậy bơi ếch thích hợp với cả những người lớn tuổi hoặc thể lực hạn chế.

Tóm lại, nếu muốn nhanh chóng biết bơi từ con số 0 thì cứ học bơi ếch. Tất nhiên đó là ếch “dưỡng sinh”, bơi ếch đại trà thôi. Còn nếu là bơi ếch thi đấu, nó lại được xếp vào kiểu bơi đòi hỏi kỹ thuật khó nhất đó nhé, khác với bơi sải và bướm là hai kiểu bơi theo thiên hướng thể lực.

Học kiểu bơi nào trước, bơi sải (trườn sấp)

Kiểu bơi nhanh nhất, tiết kiệm sức nhất trên cự ly dài. Được ứng dụng nhiều nhất trong bơi open-water (ngoài sông hồ biển tự nhiên) hay các cuộc thi bơi marathon. Lý do bởi khi bơi sải, thân người giữ thẳng nằm ngang, trọng tâm ít lên xuống, trục thân thẳng. Các beginner bắt đầu với bơi sải nhiều chỉ sau bơi ếch.

Đặc điểm của bơi sải:

  • Thân như chiếc thuyền và đôi tay như cặp mái chèo tạo ra phần lớn lực đẩy. Lực chân có vai trò làm nổi thân sau, giữ thân nằm ngang và một phần đẩy người đi . Tỉ lệ lực đẩy tay – chân có thể ước lượng: 70 – 30.
  • Từ số 0, tập được động tác chân và tay trong bơi sải lâu hơn đáng kể so với ếch do phức tạp hơn.
  • Đòi hỏi cơ khớp linh hoạt, đặc biệt là khớp vai và cổ chân, sau đó là hông và cổ. Nếu bạn bị cứng người, việc cải thiện là không dễ và tốn nhiều thời gian. Bằng không, bơi sải nhìn rất thảm hại và tốn sức.
  • Động tác xoay đầu thở bên khá khó, có thể xem là mốc trở ngại cho người mới. Thời gian đầu dễ bị “đớp” nước vào miệng, mũi, hụt hơi do lấy vào không đủ, cần thực hành thật nhiều đến khi làm chủ được.
  • Bơi sải tốt sẽ hỗ trợ nhiều cho bơi bướm và bơi ngửa. Nếu chỉ xét trên một tay, động tác tay bướm rất giống tay sải (bướm đối xứng còn sải so le). Bơi ngửa thì tương đồng nhiều hơn, nhiều người học sải xong chuyển sang tập bơi ngửa rất nhanh.

Như vậy, bơi sải có rất nhiều điểm hay ho thú vị nhưng cũng khó chinh phục hơn. Nếu các bạn chọn bắt đầu với bơi sải, hãy xác định rõ những đòi hỏi của kiểu bơi này. Thiếu hụt thể lực là vấn đề của không ít bạn nữ chân yếu tay mềm. Nam giới lại hay gặp trường hợp cứng người, đặc biệt những ai có thâm niên chơi các môn thể thao không phát triển độ mềm dẻo cơ khớp. Những yếu tố đó có thể khiến quá trình học bơi sải kéo dài và khó khăn hơn rất nhiều.

Xem thêm: Hướng dẫn bơi sải, kỹ thuật bơi trườn sấp cơ bản.

Học kiểu bơi nào trước, bơi bướm

Kiểu bơi khó nhất, đẹp mắt nhất và đỏi hỏi thể lực cũng như kỹ thuật nhiều nhất. Sự quyến rũ của bơi bướm nằm ở việc kết hợp động tác phức tạp nhưng đầy sức mạnh. Do vậy, gần như không ai chọn học kiểu bơi này đầu tiên mà thường chinh phục cuối cùng. Khi bạn đã thành thạo ít nhất một kiểu bơi khác để làm nền tảng.

Đặc điểm của bơi bướm:

  • Thân uốn sóng, lao lên mặt nước rồi ngụp xuống nhịp nhàng như cá heo phi nước đại. Lúc lao lên với hai tay dang rộng đồng thời, do đó kiểu bơi này còn có tên là “fly” (bay).
  • Động tác 2 chân, 2 tay bên trái và phải giống hệt nhau, có tính đối xứng. Một chu kỳ tay tương ứng với hai cú quẫy chân.
  • Lấy hơi phía trước như bơi ếch. Nhưng khó hơn ở chỗ trong lúc lấy hơi vẫn phải giữ được tư thế sóng thân nằm ngang. Cũng có kiểu thở bên để giữ đầu thấp nhưng ít phổ biến.
  • Sử dụng cơ bắp toàn diện nhất trong các kiểu bơi. Kết hợp động tác phức tạp của nhiều bộ phân trên cơ thể nhất. Lực đẩy sinh ra do hai tay vẫn là chủ yếu nhưng tỉ lệ chênh lệch không lớn như bơi sải.

Tóm lại, bơi bướm là kiểu bơi khó, gần như không mang tính ứng dụng ngoài việc thi đấu. Trong tình huống khẩn cấp hay muốn trải nghiệm bơi lội ngoài thiên nhiên, rất khó để dùng kiểu bơi vừa phức tạp vừa tốn sức này. Do vậy, thường nó không nằm trong ưu tiên khi mọi người băn khoăn chọn học kiểu bơi nào trước. Thực tế hiện tại ngoài bể bơi cũng không có nhiều dân bơi nghiệp dư có thể bơi bướm ở mức độ tốt.

Học kiểu bơi nào trước, bơi ngửa

Kiểu bơi tương đồng nhiều với trườn sấp vễ kỹ thuật, thay vì nằm sấp bạn sẽ ngằm ngửa (ngược lại). Động tác hai tay chèo so le và chân vẫy flutter kick tương tự như trườn sấp.

Mặc dù khi bơi ngửa, mũi và miệng luôn ở trên mặt nước nhưng với người mới tập thường rất dễ bị nước tràn vào mũi. Việc định hướng trong bơi ngửa cũng rất khó khi bạn chỉ nhìn lên trần nhà. Không nhìn được về phía trước có thể gây tâm lý lo ngại, dễ xảy ra va chạm. Vì vậy, bơi ngửa gần như không mấy khi được lựa chọn học đầu tiên, mà chuyển sang khi đã thành thạo bơi trườn sấp.

Các nhóm cơ trong bơi ngửa – Gif by arena water instinct

Khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước, bơi ngửa lại được xem là một kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, đó là kiểu nằm nổi ngửa, bơi ngửa tự do chứ không nhất thiết đúng kỹ thuật của bơi ngửa thi đấu. Bởi vì mũi miệng được giữ trên mặt nước, bạn chỉ cần dùng rất ít sức lực vẫy chân tay là có thể nổi được.

Các kiểu còn lại

Đứng nước: không hẳn là một kiểu bơi, mà là một kỹ năng. Chẳng ai bắt đầu đăng ký một khóa học đứng nước mà nó thường được dạy đi kèm với các kiểu bơi bên trên. Tuy nhiên đây cũng là kỹ năng quan trọng khi gặp sự cố. Đặc biệt nếu bạn muốn ra với hồ sâu biển lớn để thử thách trải nghiệm nhiều hơn. Đứng nước là chìa khóa quan trọng giúp bạn tự tin vượt qua rào cản rất lớn: tâm lý. Vậy lời khuyên của mình, nếu bạn chưa biết đứng nước, hãy bổ xung càng sớm càng tốt.

Bơi chó và bơi sải ngửa đầu: là những kiểu bơi mang đậm tính bản năng. Thường người ta có thể nhìn và bắt chước theo chứ không phải là kiểu bơi được dạy bài bản cho người mới. Nó không có hiệu quả nhiều về tốc độ, tiết kiệm sức hay cự ly. Tính rèn luyện thể chất cũng không thể so sánh với 4 kiểu bơi thi đấu.

Nên học kiểu bơi nào trước, lời kết

  • Bơi ếch: dễ học nhất, nhiều người chọn để bắt đầu. Có thể bơi lâu (cự ly dài) nhưng chậm, khó cải thiện tốc độ.
  • Bơi sải (trườn sấp): khó học hơn bơi ếch, nhưng nếu chọn để bắt đầu vẫn rất tốt. Lợi thế về tốc độ, cự ly, ứng dụng tốt cho bơi open-water.
  • Bơi bướm: khó học nhất, thường chỉ học sau khi đã biết bơi các kiểu khác. Toàn diện về mặt vận động cơ bắp nhưng mang tính biểu diễn là chính, ít ứng dụng.
  • Bơi ngửa: dễ học khi đã biết bơi trườn sấp, rất khó định hướng, dễ va chạm nếu bơi chỗ đông người. Vì vậy không mấy ai chọn để bắt đầu, sẽ tập sau khi biết trườn sấp.

Như vậy, nếu bạn muốn thử sức tất cả các kiểu bơi, có thể tham khảo con đường tuần tự: ếch – sải – bướm – ngửa. Tuy nhiên, nếu bạn thích trườn sấp vì ưu thế vượt trội của nó, bắt đầu luôn từ đây vẫn hoàn toàn hợp lý. Bơi bướm và bơi ngửa với hầu hết dân bơi phổ thông không quan trọng bằng 2 kiểu trên.

Bản thân mình là dân bơi phủi, tuổi thơ gắn liền với sông nước. Việc học kiểu bơi nào trước cũng chẳng có tuần tự, kiểu đầu tiên là bơi chó. Ra sông lớn thì tập thêm sải ngửa đầu, từ khi bắt đầu vào bể bơi thì tập trườn sấp kỹ thuật. Nhiều năm sau mới tập thêm ếch và bướm vì nhàm chán bơi mãi một kiểu. Do vậy, sở trường và sở thích của mình là trườn sấp. Nó giúp mình thỏa mãn đam mê nơi những hồ nước lớn thiên nhiên hùng vĩ hoặc biển cả bao la.

Mời các bạn tham gia thảo luận tại Yêu Bơi Lội Club, cộng đồng bơi lội lớn nhất trên facebook. Ghé thăm kênh video hướng dẫn kỹ thuật của Yêu Bơi Lội tại đây!

0765.655.655
0765.655.655