Bơi Bướm Có Dành Cho Cự Ly Dài? Lần Đầu Chinh Phục Cự Ly 1500m

Vui, bất ngờ, phấn khích, hào hứng, đó là những cảm xúc của mình khi lần đầu chinh phục được cự ly 1500m bơi bướm buổi chiều hôm qua. Cảm xúc đó đã nhen nhóm từ sau 200m đầu tiên,  cảm giác được sự khả quan có thể kéo dài cự ly lên nữa. Việc điều tiết nhịp độ bơi, hãm tần số, giảm tốc độ đã có kết quả. Nó giúp mình không bị vắt kiệt sức lực như tất cả những chặng bơi bướm trước đây, bất kể ngắn dài. Nói cách khác, đó là lần đầu tiên bứt phá được cái ngưỡng mà ở đó mình đưa bơi bướm như một bài tập ở trạng thái kỵ khí sang trạng thái hiếu khí.

Nguyên nhân nào đã giúp mình hoàn thành thử thách

Sự tích lũy tập luyện chính là nền tảng số 1 không thể thiếu. Mình tự học được kiểu bơi bướm theo phương pháp “bắt chước” từ 2013, tuy nhiên rất ít dùng vì là kiểu bơi khó và tốn sức. Nửa năm tập luyện cùng CLB Cá Sấu từ hè 2019, được thúc ép, được làm quen với cách tập có phương pháp đã giúp mình tiến bộ không ít.

Hơn một năm trở lại đây, việc tự tập tùy cảm hứng dù cường độ giảm rất nhiều nhưng mình vẫn cố gắng duy trì một số bài kỹ thuật cơ bản. Đó là bài tập chân ướm (uốn sóng, ôm kickboard), bài tay bướm (đeo bàn quạt, kẹp phao số 8), bài ép dẻo trên cạn cần thiết như cổ chân, lưng, vai.

Trước đây nửa năm mình từng ra mắt video về cách nâng cự ly trong bơi bướm, vượt qua mốc 50m. Ở thời điểm đó, cự ly lớn nhất mình từng thử sức là 400m và nói thật là nó cực kỳ chật vật.

Thời kỳ sau đó, việc duy trì tích lũy tập luyện đã giúp mình cải thiện kỹ thuật đáng kể. Nhịp lặn uốn sóng, cú vẩy chân, pha kéo nước, tất cả đều cảm thấy hiệu quả tăng lên, ít mệt, ít tốn sức hơn. Tóm lại, “cảm giác nước” được cải thiện, mình cảm nhận được điều đó.

Và nó thể hiện trong kết quả kiểu bơi bướm nhìn mềm mại hơn, thân người nằm ngang mặt nước hơn, giảm sức cản. Phần hông, mông nổi hơn so với trước. Trong giới bơi phong trào, vấn đề chìm mông, thắc mắc làm thế nào để bơi bướm … mông nổi vốn là câu chuyện muôn thuở. Câu trả lời ở đây, chỉ có một cách duy nhất là tích lũy tập luyện. Tích lũy đủ về lượng sẽ có biến biến đổi về chất!

 

Cú hích về tinh thần cũng là chất xúc tác tuyệt vời. Trong suốt 1 tháng trước đó, mình vẫn có tâm lý e ngại và thú thật là… hơi sợ bơi bướm. Chỉ cần nghĩ đến bơi hơn 50m là cả một thách thức, là thấy áp lực lắm rồi. Đúng là khi tự tập không người đốc thúc, mất đi hỗ trợ về tinh thần thì bài toán tự ép bản thân đến giới hạn sẽ cực kỳ khó khăn. 

Tuy nhiên giữa lúc tập tành láng cháng vô định, may mắn thay lại có nguồn cảm hứng tìm đến với mình. Đó là đọc bài về Lewis Pugh, vận động viên đầu tiên mạo hiểm chinh phục dòng sông băng ở Nam Cực. Rồi thì anh bạn đam mê cuồng bơi vừa khoe video bơi liền 1km trong 27 phút để kỷ niệm 2 năm đến với môn thể thao này. Tất cả như một luồng động lực vụt qua, hối thúc mình phải thật nghiêm túc để thử nghiệm. Và lại may mắn nữa là thử nghiệm đã có thành công bước đầu!

Diễn biến cảm xúc và những kinh nghiệm trong 1500m

Thực ra mình không hề dự định trước về cự ly dài này, chỉ là buổi đi bơi thường như mọi hôm. Vẫn đều đều như cả tháng qua, mỗi buổi bơi khoảng 45’ với giáo án tổng khoảng 1000m bao gồm chặng 2x100m uốn sóng sấp và ngửa. Vậy nên, việc nâng được cự ly đến 1500m là điều bất ngờ và hoàn toàn nằm ngoài mong đợi:

  • Bắt đầu: tự nhủ sẽ cố gắng bơi thật nhẹ, thả lỏng nhịp để nâng cự ly. Thử tăng lên 200 xem sao, nếu ổn thì cố đạt khoảng 2-400m rồi mai mốt tăng dần tiếp.
  • 200m: hãm nhịp độ có vẻ ổn, 400 nghe chừng khả thi. Chú trọng kéo dài pha thả lướt để cơ bắp dễ hồi phục. Lấy hơi tất cả các nhịp tay, tức là thở nhịp 1 thay vì nhịp 2. Chú ý vào việc lấy hơi, cố hít sâu thêm một chút để dưỡng khí được dồi dào.
  • 400m: cơ vùng vai, cơ ngực hơi đau, mỏi nhưng vẫn chiến được. Nghĩ lại chặng 400 hè năm trước (cự ly dài nhất) thì 400 này nhẹ hơn rất nhiều rồi, chẳng việc gì phải dừng lại.
  • 750m: cơ vai, ngực hết đau, lấy hơi vào cũng thoải mái, không cần phải cố rướn cổ hít sâu nữa. Bây giờ chính thức bước vào trạng thái hiếu khí, có thể bơi bền cự ly dài.
  • 1000m: đã bằng cự ly của anh Khánh Trắng, nhưng cơ thể thoải mái, chẳng thấy lý do gì để dừng lại.
  • 1500m: tạm đủ rồi, dừng lại còn check thông số xem thời gian, xem pace ra sao. Rồi còn nhờ chụp vài kiểu ảnh sống ảo nữa.

Lúc đó còn mong sẽ đạt pace dưới 2 phút cơ. Nhưng kết quả thực tế chậm hơn dự tính, chỉ đạt pace 2’:01 trên 100m với tổng thời gian 30’:23s. Thôi thì pace dưới 2’ (sub2) sẽ lấy làm mục tiêu để phấn đấu, vì trên youtube có 1 ông thần bơi 3km bướm với pace 1’:29 rồi (chắc là vận động viên chuyên nghiệp).

Thành tích chung cuộc 30’23s, pace trung bình 2′:01. Đồng hồ sử dụng: Suunto 5

Điều mấu chốt mình rút ra là:

  • Muốn bơi dài (bơi bền) thì phải hãm được nhịp độ để cơ thể cân bằng được giữa hấp nạp vào tiêu thụ. Đưa cơ thể vào trạng thái vận động hiếu khí sẽ nâng cự ly thoải mái. Nếu vẫn ở trạng thái vận động kỵ khí thì sẽ sớm bị vắt kiệt sức và chỉ được cự ly ngắn.
  • Bơi bướm dù là bơi ngắn hay bơi dài vẫn cần tối ưu sao cho thân người nằm ngang nhất có thể, vì nó sẽ hạn chế sức cản tốt nhất. Rất nhiều người bơi bướm nhịp chậm uốn lên rồi chúi xuống rất sâu (đồ thị hình sin). Việc đó sẽ làm gia tăng rất nhiều lực cản khi cơ thể tiến về phía trước.

Còn bạn, bạn đã thử sức với kiểu bơi đầy quyến rũ nhưng cũng đầy thử thách này chưa? Dù chỉ là dân bơi phong trào nhưng mình có thể tự mầy mò và có chút thành quả nho nhỏ. Mình làm được thì chắc chắn bạn cũng có thể! Sau chặng bơi này, mình nhớ lại câu nói nổi tiếng của Victor Hugo:

“Con người chẳng thiếu sức mạnh, họ chỉ thiếu ý chí.”

Nếu bạn muốn tập bơi bướm mà chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy xem bài hướng dẫn kỹ thuật uốn sóng thân của mình. Uốn sóng thân, hay còn được biết đến với tên gọi “dolphin kick” là nền tảng số 1 cần thiết cho bơi bướm. Tập bài bản đúng từng bước từ đầu sẽ giúp bạn phát triển kỹ thuật chuẩn nhất cho kiểu bơi sau này. Chúc các bạn thành công và ngày càng yêu bơi lội!

0765.655.655
0765.655.655